Xuất bản thông tin

null Nông dân Tân Hồng thu hoạch lúa Đông xuân giá thấp hơn so cùng kỳ nhưng vẫn có lãi

Chi tiết bài viết Tin tức

Nông dân Tân Hồng thu hoạch lúa Đông xuân giá thấp hơn so cùng kỳ nhưng vẫn có lãi

            Với những khó khăn về thời tiết bất lợi, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao ở đầu vụ. Hiện nay, nông dân Tân Hồng đang bước vào vụ thu hoạch đông ken lúa Đông xuân 2021 – 2022, mặc dù giá bán giảm gần 1.000 đồng/kg so cùng kỳ, nhưng nông dân vẫn có lãi và gặp thuận lợi trong mua bán, vì thương lái đến tận ruộng mua lúa tươi.

Tại mãnh ruộng 14ha của ông Trần Quốc Cường, thuộc Hợp tác dịch vụ nông nghiệp Thành Lập, xã Tân Công Chí, sử dụng cùng loại giống OM 18 đang thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Ông Cường cho biết: Lúa tươi thu hoạch xong được thương lái thu mua ngay tại ruộng. Tuy giá lúa năm nay thấp hơn các vụ trước, nhưng người dân vẫn có lãi, dù không được như mong muốn. Sau khi tính toán trừ đi các khoản chi phí, nào là tiền phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống, mỗi công lúa còn lãi trên 2.000.000 đồng. Ông Trần Văn Cường, ngụ tại khóm 2, thị trấn Sa Rài - Huyện Tân Hồng nói: Vụ đông xuân 2021 - 2022 rất thuận lợi cho người nông dân, như đất tôi hiện tại canh tác 14ha, lúa thu hoạch xong là thương lái và cò đến tận ruộng mua 5.750đ/kg tôi thấy cũng thuận  lợi. Sau khi tôi thu hoạch xong tôi đốt rơm, cày ải vệ sinh đồng ruộng lại để chuẩn bị cho vụ Hè thu tới. Trong vụ Hè thu  này tôi vẫn sử dụng giống OM 18 vì kháng bệnh sâu mò, cứng cây ít đổ ngã”.

            Trên cánh đồng 245ha thuộc Tổ hợp tác số 1, khóm 1, thị trấn Sa Rài, bà con  nông dân đang tất bật thu hoạch, với năng suất đạt từ 700 đến 900 kg/công, giá bán tại bãi lúa thương lái mua 5.700đồng/kg. Ông Phạm Yến, ngụ khóm 1, thị trấn Sa Rài - Huyện Tân Hồng chia sẻ: Đối với cá nhân tôi sản xuất trong khu vực này, với gần 4ha, thuận lợi của tôi là tiếp cận được khoa học kỹ thuật, áp dụng các loại phân bón để

cung cấp những vi lượng cần thiết mà hiện nay đất còn thiếu, nên lúa của tôi khỏe mạnh, không bệnh, thuận lợi nữa là về vấn đề mua bán, thương lái đến tận nhà mua rất dễ bán, nhưng giá cả so với năm rồi mất 1 tấn lúa tương đương 1.000.000 đồng, riêng về chi phí mới là áp lực và nổi lo nhất của bà con nông dân, bán lúa đã mất 1ha khoảng 10 triệu, chi phí phân bón, thuốc BVTV cho 1ha tăng thêm 8 triệu đồng, năm nay so với năm rồi 1ha nông dân mất khoảng 18 triệu đồng”.

Những ngày qua, vào vụ sản xuất đông ken chưa có tình trạng lúa ùn ứ, tồn đọng trên đồng. Sau khi thu hoạch xong, lúa tươi được vận chuyển tập kêt ở các bãi lúa hay vận chuyển xuống bờ sông, tại đây các thương lái sẽ vận chuyển đi tiêu thụ ngay sau đó, rất  thuận lợi trong việc mua lúa của nông dân trong vùng. Ông Hồ Văn Lý, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT Huyện Tân Hồng cho biết: “Với giá cả thuốc BVTV cao như hiện nay, Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân, thứ nhất là thực hiện mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí đầu vào tăng thu nhập sau khi sản phẩm bán ra. Thứ hai: liên kết tiêu thụ mua chung, bán chung để đầu vào thấp và đầu ra của ba con có giá cao. Thứ ba: khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng sản phẩm sinh học, hữu cơ, để sản phẩm ra đến người tiêu dùng sạch, an toàn”.

            Trong tổng số diện tích xuống giống 22.487 ha, đến nay nông dân Tân Hồng thu hoạch đạt trên 50% diện tích, năng suất bình quân 69,6 tạ/ha, sản lượng 54.753 tấn. Trong tuần này, giá bán các loại giống OM 4900 và OM 18 giảm 100 đồng/kg, giá bán từ 5.500đ đến 5.800đ/kg; Đài thơm 8 tăng 50 đồng/kg, giá từ 5.700 đến 5.800 đồng/kg, riêng nếp Long An có giá từ 5.400-5.600 đồng/kg. Nhìn chung, tình hình tiêu thụ tương đối ổn định và chưa xảy ra tình trạng tồn đọng.

BT: Kim Lệ + Ảnh: Thùy Dung