Xuất bản thông tin

null Hướng đi của người nông dân nuôi lươn thương phẩm và lươn giống

Chi tiết bài viết Tin tức

Hướng đi của người nông dân nuôi lươn thương phẩm và lươn giống

Trong những năm qua, Nông dân huyện Tân Hồng đã và đang tích cực tham gia thực hiện mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi” để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Nông dân còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, mô hình nuôi lươn thương phẩm và ương lươn giống cung cấp ra thị trường của anh Trần Hữu Trí, ngụ ấp Thống Nhất 1, xã Tân Công Chí - huyện Tân Hồng được đánh giá khá hiệu quả.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Cao đẳng Thú y, làm việc ở nhiều nơi tại các Công ty, doanh nghiệp ngoài Tỉnh. Nhưng đến giữa năm 2019, anh Trần Hữu Trí, ngụ ấp Thống Nhất 1, xã Tân Công Chí - huyện Tân Hồng quyết định trở về quê mua 8.000 m2 đất của hộ dân trong xã để đầu tư xây dựng khu nuôi lươn thương phẩm trên nền xi măng. Qua gần 4 năm bén duyên với nghề, anh Trần Hữu Trí đã có thu nhập ổn định, Anh Trí cho biết: Để có lươn giống thả nuôi, mình phải tìm mua ở địa phương khác, nhưng phải đặt hàng trước, thấy nguồn lươn giống còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nên quyết định nuôi lươn sinh sản và chủ động ương tự nhận lươn giống để tạo nguồn nuôi, đồng thời mở rộng diện tích ương lươn giống để cung cấp ra thị trường. Mỗi tháng anh xuất bán lươn thịt và lươn giống, thu lãi trên 30 triệu đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí. Anh Trần Hữu Trí chia sẻ: “Cách đây 4 năm, em có đi làm trang trại xa nhà xa quê, sau đó em tìm tòi học hỏi nghiên cứu tìm con gì để mình về quê chăn nuôi phát triển ở quê mình, rồi em tìm tói trên sách báo, trên các trang mạng mô hình hình hay xunh quanh để em phát triển, em thấy con lươn giá trị kinh tế cao nên quyết định nuôi. Lúc đầu em chỉ nuôi thử nghiệm 1 vài bể khoảng 10.000 con bắt giống ở Hồng Ngự mà giá thành cao 60 triệu đồng, mình thấy mua con giống quá tốn tiền nên nảy sinh ý định tự sản xuất con giống để mình nuôi, lúc đầu tính ương giống để nuôi nhưng, sau ương con giống nhiều em bán cho các hộ nuôi trong tỉnh mình, ngoài tỉnh cũng có nhu cầu nữa nên em quyết định tăng quy mô sản xuất lên, em cung cấp không riêng tỉnh Đồng Tháp mình, Trà Vinh, Sóc Trăng và các tỉnh khác”.

Hiện tại, diện tích nuôi lươn thương phẩm của anh đầu tư 15 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 6m2, mật độ thả nuôi 1.500 con và sử dụng dây nhựa đan thành bè để làm tổ, vừa là nơi trú ngụ, vừa là nơi cho lươn ăn. Nếu như so với nuôi lươn theo cách truyền thống thì nuôi lươn trong bể ximăng nhẹ công lao động, dễ quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển, phòng trừ dịch bệnh cho lươn tốt hơn. Riêng đối với lươn giống, anh Trí cho lươn sinh sản, thu trứng, ấp trứng trong 40 khuây nhựa, trứng sẽ nở thành lươn bột và ương nuôi lươn bột lên lươn giống để xuất bán cho các hộ nuôi. Anh Trí cho biết thêm:“Hiện tại bây giờ em đang cải tiến mô hình lên lươn thịt có đầu tư hệ thống tuần hoàn, lươn mình nuôi khoảng 15 ngày thay nước 01 lần, thay vì lúc trước 1 ngày thay nước 03 lần, bây giờ nhẹ công chăm sóc, em về đây muốn phát triển quê nhà mình nên sẳn sàng chia sẻ, mở rộng môn hình mình ra kinh tế nông thôn mình mới phát triển ra được”.

Đây là mô hình sản xuất khá mới, nên khi bắt tay vào nuôi anh Trần Hữu Trí cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ cách chăm sóc đến khâu phòng và trị bệnh cho lươn. Nhưng với tính siêng năng, cầu tiến nên ngoài việc tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, mạng Internet, anh Trí còn tìm đến những hộ đang thực hiện mô hình này để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đạt hiệu quả cao từ mô hình. Ông Lâm Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Xã Tân Công Chí nói:“Trong thời gian qua có nhiều nông dân từ các xã khác đến học hỏi mô hình của anh Trí, anh Trí trao đổi rất nhiệt tình giúp đỡ bà con mình, anh Trí cũng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Thời gian tới đây, Hội Nông dân xã cùng với Ban Nông nghiệp xã thành lập Tổ hợp tác liên kết nông dân nuôi lươn trong ấp để tạo tiền đề cho việc liên kết sản xuất giữa nông dân và các nhà đầu tư để ổn định nguồn thức ăn, con giống và đầu ra cho nông dân”.

Hiện nay, mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng đang là hướng đi được nhiều người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Bởi, không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mà còn tăng thu nhập cho gia đình từ mô hình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

BT: Kim Lệ + Ảnh: Thùy Dung