Xuất bản thông tin

null Những mô hình khởi nghiệp hiệu quả

Chi tiết bài viết Tin tức

Những mô hình khởi nghiệp hiệu quả

Qua gần 05 năm triển khai thực hiện Đề án khởi nghiệp do tỉnh Đồng Tháp phát động, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo  huyện Tân Hồng chỉ đạo cho các ngành, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và người dân xây dựng mở rộng các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, các sản phẩm khởi nghiệp nông thôn tiêu biểu thể hiện nét đặc trưng của huyện biên giới.  

Sản phẩm dầu đậu phộng của anh Nguyễn Ngọc Minh (ngồi ở giữa)

Xã Bình Phú là địa phương có diện tích trồng đậu phộng nhiều so với các xã khác trong huyện, bởi đặc thù vùng đất ở đây pha cát nên rất thích hợp với cây màu này và chịu hạn tốt. Để giúp cho người nông dân có đầu ra tiêu thụ sản phẩm, năm 2016 anh Trần Ngọc Minh - ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú nảy ra ý định thu mua đậu phộng của nông dân để chiết xuất thành dầu đậu phộng cung cấp cho người tiêu dùng. Anh Minh chi sẻ: “Do nguồn đậu phộng của Tân Hồng rất lớn, mỗi khi thời điểm thu hoạch thì giá cả lại mất giá, nên tôi nảy sinh ý định sản xuất gì đó từ đậu phộng, đi học hỏi nhiều nơi sản xuất, cũng bán cho anh em bạn bè thấy sử dụng chất lượng giới thiệu cho xung quanh, hiện tại tôi cung cấp 1 số thị trường khó tính như Bình Thuận, Đắc Lắc, Gia Lai, sắp tới đây sẽ mở rộng thị trường để tiêu thụ hết sản phẩm cho người dân”.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đây khởi nghiệp sản phẩm “Gạo Nghĩa Nhân”

Còn mô hình khởi nghiệp của kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Văn Đây, ngụ ấp Hoàng Việt - xã Tân Phước là các sản phẩm gạo mang thương hiệu “gạo Nghĩa Nhân”. Để nâng cao giá trị hạt gạo, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng, năm 2017 anh cùng với cha của mình ông Nguyễn Văn Hương trồng thử nghiệm 01ha giống lúa tím sữa theo hướng sạch. Anh Đây cho biết: Lần đầu, khi đem gạo bán ra thị trường gặp không ít khó khăn, vì ít người biết đến sản phẩm, nhưng nhờ giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội mà sản phẩm “gạo Nghĩa Nhân” được nhiều người biết đến, hiện diện tích trồng lúa tím sữa lên đến 20ha. Trong năm 2019, sản phẩm “Gạo Nghĩa Nhân” đạt giải khuyến khích từ Hội thi gạo ngon tỉnh Đồng Tháp. Anh Nguyễn Văn Đây cho biết thêm: “Sắp tới sẽ mở rộng diện tích ra, ngoài gạo ăn thì chế biến sau trà gạo lứt, bánh tráng Nghĩa Nhân và một số loại bột ngũ cốc để tạo ra giá trị phát triển sau từ gạo, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, không những gạo mà còn sản phẩm sau gạo”.

Cửa hàng trưng bàysản phẩm khởi nghiệp Huyện

Đồng hành cùng với các sản phẩm khởi nghiệp của huyện, Hội Nông dân huyện Tân Hồng đầu tư mặt bằng và xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm tại khóm 3, thị trấn Sa Rài. Cửa hàng trưng bày 35 sản phẩm khởi nghiệp trong và ngoài huyện, trong đó huyện Tân Hồng có 18 sản phẩm gồm: Sản phẩm khô Ba Khía; Gạo tím sữa; Dầu ăn từ đậu phộng; khô trâu, khô bò... góp phần quảng bá, tiêu thụ, kết nối các sản phẩm với các hoạt động khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Về vấn đề này, Ông Đinh Văn Đậm, Chủ tịch Hội Nông dân Huyện Tân Hồng phát biểu: Thực hiện mỗi xã 1 sản phẩm, Hội nông dân huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động thành lập CLB khởi nghiệp có 33 thành viên/CLB đi vào sản xuất các sản phẩm của địa phương. Sắp tới, Hội nông dân huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức cuộc thi khởi nghiệp của địa phương/ nhằm để tìm ra sản phẩm mới để cho bà con nông dân và các cơ sở khởi nghiệp có dịp để quảng bá sản phẩm thương hiệu của mình đến với người tiêu dùng tốt hơn”.

Anh Nguyễn Ngọc Minh đang vận hành máy ép dầu đậu phộng

Các sản phẩm khởi nghiệp của huyện Tân Hồng đều mang tính đặc trưng của từng địa phương, tạo ra những sản phẩm có giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời gắn kết những sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Huyện nhà, góp phần xây dựng Tân Hồng ngày càng phát triển./.

BT: Kim Lệ + Ảnh: Thùy Dung