Xuất bản thông tin

null Tân Hồng: Tình hình sâu bệnh trên lúa Hè thu

Chi tiết bài viết Tin tức

Tân Hồng: Tình hình sâu bệnh trên lúa Hè thu

Đến nay, nông dân huyện Tân Hồng đã xuống giống gần 20.000ha lúa Hè thu. Trong đó: có trên 4.200ha trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh trên 4.100ha; làm đòng gần 11.000ha và trỗ chín 480ha ở xã Tân Thành A và xã Thông Bình. Bên cạnh, các đối tượng dịch hại gây hại phổ biến ở mức nhẹ trên 1.450 ha, trong đó, có 1.070ha lúa giai đoạn trỗ chín bị nhiễm lem lép hạt; bệnh đạo ôn lá 180 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, tỷ lệ bệnh từ 5% đến 10%;  Sâu cuốn lá nhỏnhiễm nhẹ 100 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh; Sâu đục thân 100 ha trên lúa giai đoạn trổ chín, tỷ lệ bông bạc 2,5-5%. Ngoài ra, các đối tượng khác như: chuột, bọ trĩ, bệnh vàng lùa - lùn xoắn lá, đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá... xuất hiện và gây hại rải rác.

  Ngành chức năng dự báo tình hình sinh vật gây hại trong thời gian tới: Bọ trĩ xuất hiện trên diện tích lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh, mức nhiễm có thể gia tăng do điều kiện thời tiết ban ngày nắng nóng thích hợp bọ trĩ xuất hiện gây hại; Sâu cuốn lá, sâu đục thân gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm có thể bị hại nặng. Rầy nâu gây hại phổ biến ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ. Diện tích trổ chín có thể bị gây hại nặng cục bộ do tích luỹ mật số từ đầu vụ. Bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá: diện tích và mức nhiễm có thể gia tăng do điều kiện thời tiết mưa bão và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh, gây hại. Đặc biệt những diện tích sạ dày, bón thừa phân đạm, giống nhiễm sẽ bị hại nặng. Bệnh lem lép hạt: gây hại phổ biến ở mức nhẹ và các đối tượng khác có thể xuất hiện gây hại rải rác. Nông dân tích cực thăm đồng thường xuyên, để có biện pháp phòng trị kịp thời, hạn chế những rủi ro trong vụ Hè thu này./.

BT: Kim Lệ + Ảnh: Thuỳ Dung