Xuất bản thông tin

null Mô hình nuôi lươn giúp nông dân thu nhập khá

Chi tiết bài viết Tin tức

Mô hình nuôi lươn giúp nông dân thu nhập khá

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong vài năm trở lại đây nông dân huyện Tân Hồng tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà để nuôi lươn giống và lươn thương thẩm trong bồn mũ và bồn xi măng, giúp nông dân thu lợi nhuận khá. Tuy nhiên, giữa mùa dịch CoVid 19 giá cả đầu ra tiêu thụ có phần giảm hơn, nhiều nông dân chưa xuất bán mà giữ lại chờ giá cao.

            Qua nhiều năm gắn bó với mô hình nuôi lươn trong bồn xi măng, ông Mao Văn Hoàng, ngụ ấp Cả Găng, xã Bình Phú cho biết: ban đầu chỉ nuôi vài bồn, nhưng đến nay đã lên đến 40 bồn, tháng nào cũng xuất bán gối đầu nhau, thương lái ở thành phố Cao Lãnh hay ở bên An Giang qua thu nuôi, với giá từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của dịch CoVid - 19 nên mấy tháng nay giá  bán có giảm hơn, nên lợi nhuận không cao. Ông Mao Văn Hoàng cho biết thêm: “Thời gian trước nuôi có giá, nhưng thời gian này do dịch CoVid nên giá cả có phần giảm, lúc trước thương lái đến tận nơi mua có giá hai trăm, hai trăm hai một ký, bây giờ chỉ còn một trăm rưỡi, một trăm sáu lươn nhất, nhì. Hồi đó mình nuôi khoảng 10 bồn, mấy năm nay nuôi từ từ hai chục, ba chục, bây giờ gần 40 bồn, quay vòng hoài, trong trường hợp dịch bệnh CoVid này giá cả có giảm nhưng mình cũng phải đeo, vì có trước có sau, lấy ngắn nuôi dài hoài”.

So với những mô hình chăn nuôi khác thì thời điểm hiện tại mô hình nuôi lươn đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân. Bởi, mô hình này không tốn nhiều chi phí đầu tư, lươn dễ nuôi và dễ chăm sóc. Anh Mai Trường Giang, thành viên Tổ hợp tác nuôi lươn ấp cả Găng, xã Bình Phú nói: “Cũng nhờ chú Sáu ổng nuôi trước, tôi hỏi ổng từng chi tiết ổng cũng tận tình hướng dẫn tôi để nuôi, rồi bây giờ tôi nuôi theo chú Sáu, từ lúc nuôi đến giờ gia đình đỡ ra dữ lắm, khi tôi đi làm thì không dư nhiều, vợ ở nhà lượm lặt nuôi thêm nữa, gom góp bắt ốc cua thêm làm thức ăn cho lươn, thời gian bây giờ ổn định khá thêm”.

            Tận dụng lợi thế địa phương có tuyến kênh Tân Công Chí 2, thức ăn trong tự nhiên nhiều dễ khai thác, nên nông dân mạnh dạn phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm. Bên cạnh, ngoài khai thác nguồn lươn giống ngoài tự nhiên để nuôi, thì các hộ nuôi còn chủ động nuôi lươn sinh sản để tạo nguồn nuôi mới. Mặc dù, giữa mùa dịch CoVid - 19 giá cả có phần giảm hơn, nhưng người nuôi vẫn duy trì mô hình. Ông Võ Văn Chên, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Bình Phú cho biết:“Năm 2019, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mở lớp kỹ thuật chăn nuôi lươn. Qua lớp kỹ thuật, nông dân định hướng mô hình nuôi lươn phù hợp với địa bàn ấp Cả Găng. Do đó, Hội Nông dân xã, UBND xã thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn có 10 thành viên. Để đồng hành cùng với nông dân trong nuôi lươn, Hội Nông dân xã tham mưu cho Hội Nông dân Huyện giúp hội viên Tổ hợp tác nuôi lươn tiếp cận vốn từ Quỹ hỗ trợ Nông dân, dự án nuôi lươn 200 triệu đồng. Hiện tại, mô hình nuôi lươn đang phát triển tốt, góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương”

            Thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm và chủ động được nguồn giống, đã giúp cho các hộ nuôi lươn ấp Cả Găng, xã Bình Phú mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện trong  Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện và xã, đặc biệt là nông dân tham gia vào Tổ hợp tác đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm./.

BT: Kim Lệ + Ảnh: Thuỳ Dung